KHÁT VỌNG THAY ĐỔI THỊ TRƯỜNG CAVIAR THẾ GIỚI
- 3582 lượt xem
Cỡ 10 năm trước, khi ông Lê Anh Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cá tầm Việt Nam nói tới giấc mơ đưa Việt Nam đứng top đầu các nước sản xuất trứng cá tầm của thế giới, không nhiều người tin, thậm chí còn cho là viển vông…
Cá tầm nuôi trên hồ thủy điện Buôn Tua Shra
Được coi là “vàng đen” và nằm trong danh sách những món ăn đắt đỏ nhất hành tinh, trứng cá đen – từ thông dụng của trứng cá tầm, thường chỉ dành cho giới thượng lưu giàu có. Hiện giá thị trường của trứng cá tầm đen dao động từ 1.500 – 2.000 USD/kg, còn trứng cá tầm vàng đắt gấp đôi.
Đặc biệt, nếu là trứng cá tầm loại bạch tạng, giá có thể gấp 5-7 lần và được xếp vào dạng đặc sản hiếm có, khó tìm, bởi cả ngàn con cá tầm may ra có một con. Chưa kể, tốc độ phát triển của cá tầm trắng cũng chậm hơn rất nhiều so với cá thường, nên đòi hỏi một chế độ chăm sóc riêng.
Sở dĩ trứng cá đen đắt là bởi con cá phải được nuôi tới tầm 1,5 – 2 kg mới phân biệt được cá đực và cá cái. Cá cái sau đó được nuôi thêm khoảng 2-3 năm mới có thể siêu âm xem đã có trứng chưa. Tuy nhiên, lần ra trứng đầu tiên cũng chưa thể khai thác được và phải tới giai đoạn ra trứng lần thứ 4 mới đủ điều kiện để thu hoạch.
Như vậy, nhanh cũng mất cỡ 7-8 năm chăm bẵm mới tới ngày thu hoạch trứng cá đen, còn lâu thì mất cả chục năm nếu muốn chất lượng trứng cao hơn. Đáng nói là, không phải năm nào cá tầm cũng ra trứng. Những con cá có trọng lượng lớn từ 15-20 kg, được nuôi cả chục năm có thể cho cỡ 2-3 kg trứng, thậm chí nhiều nhất lên tới hơn 4 kg.
Khát vọng làm lớn
Trang trại của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam trên hồ thuỷ điện Buôn Tua Shra hiện có khoảng 1,7 triệu con cá đã được bắt đầu nuôi từ năm 2014. Cùng với hồ thủy điện Đa Mi, Sơn La, Vĩnh Sơn và trung tâm cá giống đặt tại Tuyền Lâm ( Đà Lạt), giấc mơ trở thành “nhà sản xuất trứng cá đen có hạng của thế giới” của ông Đức đang trở thành hiện thực.
Giai đoạn 2006 – 2007, ông Đức lao vào khởi nghiệp với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Dễ có tới 24 – 25 công ty được ông thành lập trong giai đoạn này, nhưng đa phần đều thất bại. Ở thời điểm đó, chương trình đưa cá tầm từ Liên Xô về nuôi ở Việt Nam tuy đã đi được những quãng thời gian rất dài, nhưng chưa có kết quả đột phá.
“Khi một người bạn của bố vợ hỏi tôi có hứng thú với cá tầm không, chả còn gì để mất, nên tôi tặc lưỡi gật đầu. Tôi cũng có nghĩ tới viễn cảnh sẽ làm lớn với cá tầm, nhưng ban đầu đó chỉ là ước muốn âm thầm thôi”, ông Đức nhớ lại.
Từ khi tiếp nhận lại đàn cá giống, nuôi thử ở Đà Lạt và đạt những thành công ban đầu, ông Đức bắt đầu tính tới việc làm lớn với việc nuôi cá tầm trên hồ thủy điện ở khu vực Tây Nguyên. Nhưng ý tưởng này ngay lập tức bị các chuyên gia Nga đã theo đàn cá tầm sang Việt Nam phản đối, bởi theo kinh nghiệm của họ, nhiệt độ nước trong hồ thủy điện khá cao, có lúc tới 30 độ C, trong khi cá tầm chỉ thích hợp sống trong môi trường nước từ 14-18 độ C, bởi đây là giống cá sống ở vành đai ôn đới.
“Nếu chấp nhận nuôi trong môi trường nước có nhiệt độ 14-18 độ C, thì chỉ có các dòng suối nhỏ ở Sapa là đáp ứng được. Nhưng như thế quy mô sẽ rất cò con, mà tôi thì muốn thử sức với khát vọng làm lớn, có tên tuổi trên thế giới”, vị Chủ tịch của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam nhớ lại quyết định cân não khi dấn thân cùng các hồ thủy điện, khởi đầu cho hướng làm ăn lớn.
Hồ thủy điện Đa Mi có diện tích 700 ha với địa thế nằm ở vùng cao nguyên mát lạnh đã được chọn là điểm xuất phát để thả nuôi cá tầm, khi việc khuyến khích nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện được xem là một trong các hướng đi để tận dụng lợi thế hồ chứa nước khi xây nhà máy thủy điện.
Nhớ lại quyết định đưa cá tầm xuống hồ thủy điện Đa Mi, lãnh đạo Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi cho hay, năm 2008, ông Đức đã đến gặp Công ty và bày tỏ muốn nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Đa Nhim ở khu vực Đơn Dương bởi gần Đà Lạt. Tuy nhiên, với hiểu biết của mình, Công ty đã giới thiệu hồ Đa Mi. So với hồ Đa Nhim thì hồ Đa Mi trong hơn, có mực nước ổn định, dòng chảy liên tục, lượng ô xy tốt, chỉ có duy nhất nhược điểm là nhiệt độ nước hơi cao.
Vậy nhưng cá tầm nuôi thử tại hồ Đa Mi lại rất thành công. Năm 2009, đàn cá tầm mang về Việt Nam hồi năm 2005, được thả tại hồ Đa Mi đã cho ra lứa trứng đầu tiên, càng kích thích ông Đức say sưa với giấc mơ “anh bán trứng cá toàn thế giới”.
Không ngừng khát vọng
Từ thành công với việc nuôi cá tầm ở hồ thủy điện Đa Mi, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã tìm tới các hồ thủy điện khác để có thêm hạ tầng phát triển đàn cá. Sau Đa Mi, các hồ thủy điện Vĩnh Sơn, Buôn Tua Shra và Sơn La đã trở thành điểm dừng chân mới của cá tầm Việt Nam.
“Rất bất ngờ là cá nuôi ở hồ thủy điện Sơn La lại phát triển rất tốt hệ mô sụn so với hồ thủy điện Tây Nguyên. Kết quả của những lần kiểm tra định kỳ này khiến chúng tôi dự đoán rằng, có thể ở khu vực này có những núi đá vôi và giàu khoáng chất hơn, nên cá có điều kiện phát triển tốt hơn”, ông Đức kể.
Khó khăn chất chồng trong những thời gian đầu rồi cũng qua đi, tới nay, với 1 trung tâm cá giống và 4 hồ nuôi, thương hiệu trứng cá tầm Caviar de Duc “thuần Việt” của Tập đoàn cá tầm Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng, đồng thời giúp cho nhiều người Việt có cơ hội thưởng thức món ăn này.
Giấc mơ “anh bán trứng cá đen có số má” của ông Đức cũng rất gần khi Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã đứng tốp đầu thế giới về sản lượng cá nuôi, dù sản lượng trứng vẫn đang chậm hơn một nhịp, bởi bắt đầu muộn hơn. Trung Quốc nuôi cá tầm từ năm 1991, Italia cũng bắt đầu nuôi từ năm 1992, ở Pháp là từ năm 1998, nên đã ổn định về đàn và sản lượng trứng làm ra mỗi năm được vài chục tấn.
“Trong khi đó, Việt Nam mới bắt đầu được 10 năm, nên sản lượng trứng chưa nhiều. Dẫu vậy, năm 2018, Việt Nam đã sản xuất được gần 8 tấn trứng cá đen và năm 2019 này sẽ đạt được suýt soát 15 tấn trứng và vẫn tiếp tục tăng nhanh bởi đàn cá có số lượng lớn”, ông Đức nói.
Không dừng lại đó, khát vọng sản xuất vài trăm tấn trứng cá đen mỗi năm của ông chủ Tập đoàn Cá tầm Việt Nam để thay đổi cục diện thị trường, để món ăn thượng lưu sẽ không chỉ còn dành cho mỗi tầng lớp tinh hoa, quý phái thưởng thức cũng đang được hiện thực hoá. Tuy nhiên, để lên được con số hàng trăm tấn trứng cá thì phải có đàn cá gấp 6-7 lần hiện tại. Theo kế hoạch này, các hồ cá hiện có sẽ được mở rộng quy mô nuôi để tiện cho quản lý.
Với vị trí hiện tại của các hồ nuôi cá tầm, việc mở rộng hoạt động của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam sẽ giúp cho đồng bào dân tộc, người dân địa phương ở các vùng vẫn còn rất khó khăn về cơ sở vật chất có thêm việc làm. Hiện thu nhập của người lao động làm việc trên các trại cá đạt bình quân 6-7 triệu đồng/tháng, một con số khá lớn với nhiều đồng bào dân tộc vốn chỉ quen làm nương rẫy đủ ăn mỗi mùa.
Với việc được các đầu bếp Pháp – những người rất sành ăn, quen thuộc với các món ăn tinh tế và thượng lưu – đánh giá cao chất lượng, mùi vị, không khác biệt so với trứng cá tầm của các nước châu Âu lâu đời, cơ hội để trứng cá tầm Việt Nam đi xa hơn nữa theo đường chính ngạch, chinh phục khẩu vị thế giới theo đó cũng bài bản và rộng mở hơn.
“Tôi muốn trứng cá đen trở thành hàng cao cấp nhưng kiểu Lexus, chứ không phải siêu sang như Rolls Royce, để nhiều người được thưởng thức thường xuyên”, ông Đức vẫn không ngừng khát vọng.
Hàng độc trên thế giới
Tiệc trứng cá đen tươi (mổ cá rồi ăn trứng ngay tại bàn, trứng cá lúc này có độ tinh khiết nhất, tươi nhất và vì thế cũng tốt nhất) thường được tổ chức trong các không gian khách sạn, nhà hàng cao cấp hay chính nhà của đại gia. Nhưng nhiều người lại thích cảm giác bồng bềnh, dập dềnh giữa không gian mênh mông của trại cá khi nhấp ly vang trắng, nhấm nháp thìa trứng cá đen bên bạn bè thân thiết, tri kỷ, sau khi tự tay mổ lấy trứng.
Tiệc trứng cá đen tuy là hàng độc trên thế giới, nhưng vài năm nay đã trở nên quen thuộc với các đại gia sành ăn ở Việt Nam. Một bữa tiệc trứng cá đen tốn cả trăm triệu đồng cho riêng tiền trứng. Đắt đỏ là vậy nhưng để có bữa tiệc trứng cá với chất lượng tuyệt hảo, đại gia cũng phải đặt hàng trước cả tháng trời.
Giới thượng lưu tin rằng, ăn trứng cá tầm thường xuyên sẽ giúp cơ thể được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, cải thiện hệ thống miễn dịch, luôn trẻ khỏe và không mắc phải những “bệnh nhà giàu” như gout, tiểu đường, mỡ máu… như khi ăn thịt động vật. Với hệ gen đơn giản vẫn được duy trì từ thời cổ đại đến nay, cá tầm nói chung và trứng cá tầm là những món ăn dễ hấp thu với hệ tiêu hoá con người. Trứng cá đen cũng được xem là nguồn bồi dưỡng có giá trị dinh dưỡng cao, nhất là cho những người suy nhược sức khoẻ, phải làm việc trí óc nhiều.